Chiến dịch Trận_Agincourt

Tại nước Anh, Quốc vương Henry V lên nối đại thống vào năm 1413, mở ra một bước ngoặt cho cuộc Chiến tranh Trăm Năm[48]. Ông đã phát động chiến dịch phạt Pháp sau nhiều nỗ lực thương lượng không thành với người Pháp. Ông đòi hỏi danh hiệu vua Pháp thông qua thân thế của ông cố mình là Edward III, mặc dù thực tế thì các vị vua Anh sẽ sẵn sàng từ bỏ lời đòi hỏi này nếu người Pháp chấp nhận chủ quyền Anh ở Aquitaine và một số vùng khác thuộc Pháp (nội dung Hòa ước Bretigny).[49] Lúc đầu, Henry V triệu tập một hội đồng vào mùa xuân năm 1414 để thảo luận về việc gây chiến với Pháp, nhưng các quý tộc muốn ông thương lượng thêm và giảm bớt các yêu cầu. Trong các cuộc thương lượng sau đó, Henry bảo sẽ từ bỏ lời đòi hỏi ngôi vua Pháp nếu phía Pháp trả 1,6 triệu cua-ron từ vấn đề tiền chuộc của vua Jean II (bị bắt giữ trong trận Poitiers thuở năm 1356), và phải thừa nhận chủ quyền Anh ở các vùng Normandie, Touraine, Anjou, Bretagne, Vlaanderen, và Aquitaine (các lãnh thổ từ tận thời Henry II hơn 200 năm về trước). Henry sẽ cưới công chúa Catherine của Charles VI và nhận 2 triệu cua-ron của hồi môn. Người Pháp chỉ chấp nhận ở mức hôn nhân với Catherine, của hồi môn 600.000 cua-ron, và một vùng Aquitaine được mở rộng thêm. Cuộc thương lượng đi vào bế tắc và người Anh cho rằng phía Pháp không tôn trọng các điều khoản họ đưa ra, cũng như xúc phạm đến vua Henry V.[50] Tháng 12 năm 1414, quốc hội Anh được thuyết phục để cho Henry V "khoản tiền trợ cấp gấp đôi", một loại thuế gấp hai lần bình thường, để ông có thể đòi hỏi lại quyền thừa kề từ nước Pháp. Vào ngày 19 tháng 4 năm 1415, Henry lại đề nghị hội đồng cho phép chiến tranh với Pháp, và lần này được chấp thuận.[51]

Như thế là vị tân vương đã tiếp tục cuộc Chiến tranh Trăm Năm mà nhà vua Edward III phát động từ hồi năm 1337, với mong muốn khôi phục thế thắng cho Anh Quốc[14][22]. Và quả thật, triều đại ông gắn chặt với niềm huy hoàng của nước Anh thời buổi ấy,[30] khi nước Pháp đang lâm vào khủng hoảng tài chính và hỗn độn thậm tệ.[33] Đoàn quân của vua Henry V tới miền bắc nước Pháp vào ngày 13 tháng 8 năm 1415 và vây hãm cảng Harfleur với một quân đội khoảng từ 1 vạn[34] cho đến 12 nghìn người. Đương thời, người Pháp thường coi nguyên nhân của cuộc chiến là do sự hung bạo của quân Anh, và các nhà chép sử nước Pháp cũng lên án Henry V như họ đã làm với Edward III. Nhưng thực chất không phải là như vậy. Thực sự là vua Henry V có tham vọng và khát khao thắng lợi ở Pháp, nhưng ông chưa hề lập kế hoạch đánh một trận như Agincourt. Ông chẳng qua là muốn mở chiến dịch theo hai đường thủy bộ, nhằm tái gầy dựng lực lượng thủy binh Anh. Vả lại, cuộc chiến chinh cũng không phải là vô căn cứ do thủy quân Pháp đã vài lần cướp phá bờ biển Anh Quốc trước đó.[22] Cuộc vây hãm kéo dài lâu hơn dự kiến, và nơi đây chỉ đầu hàng vào ngày 22 tháng 9. Quân Anh đóng tại đây cho tới ngày 8 tháng 10. Thời gian có thể tiến hành các hoạt động quân sự đã hết (sắp tới mùa đông), và quân Anh cũng đã chịu khá nhiều thương vong vì dịch bệnh. Thế nhưng thay vì rút quân thẳng về Anh và chấp nhận việc chỉ thu được duy nhất một thành phố trong đợt ra quân lần này, Henry V quyết định hành quân (với khoảng 9 nghìn binh sĩ) xuyên qua vùng Normandie để tới lãnh địa của Anh tại miền bắc Pháp là Calais. Mục đích của cuộc hành quân là để chứng tỏ sự hiện diện của mình ngay trước mặt kẻ thù, và khẳng định rằng lời đòi hỏi ngôi vua của ông không hề mơ hồ và không hề chỉ mang tính lịch sử (hiểu là: một vài vua Anh trước Henry V cũng đều tuyên bố quyền thừa kế ngôi vua Pháp, nhưng đó chỉ là những đòi hỏi hữu danh vô thực dựa vào thân thế lịch sử của họ, còn Henry muốn chứng tỏ là ông đủ khả năng để thực sự làm chuyện đó).[52] Ông cũng muốn dùng cuộc tiến quân như một lời khiêu chiến với vị Thái tử (dauphin) của Pháp, người đã không trả lời khi Henry V thách thức ông ta tại Harfleur.[53]

Nhà vua nước Anh đã trục xuất hết dân chúng ở Harfleur, và ông đưa người Anh vào đó sinh sống.[1] Trong lúc quân Anh vây hãm, người Pháp đã tập hợp được một đội quân ở Rouen. Đó không hoàn toàn là một quân đội kiểu phong kiến, mà là một quân đội được trả lương theo kiểu tương tự người Anh. Phía Pháp hy vọng sẽ tuyển mộ được 9.000 quân, nhưng họ không kịp tới cứu Harfleur. Trong quá trình chinh chiến, Henry V cũng đốt phá các nông trang ở Pháp, bởi lẽ ông cho rằng chiến tranh mà không có khói lửa thì cũng chẳng khác gì thức ăn thiếu gia vị.[1] Sau khi ông tiến quân về phía bắc, quân Pháp cũng di chuyển để phong tỏa họ dọc sông Somme. Henry buộc phải di chuyển về phía nam, xa khỏi Calais, để tìm một chỗ cạn. Ông cuối cùng cũng vượt qua được sông Somme tại nam Péronne, ở Béthencourt và Voyennes,[54][55] và tiếp tục hành quân lên phía bắc. Không có sông bảo vệ, người Pháp e ngại việc tiến hành giao chiến.

Ban đầu một nhà chép sử Pháp phải kinh hồn trước quân số của ông[22], nhưng sau vài tuần chinh chiến, nhà vua Henry V chỉ còn có ít nhất là 3 nghìn binh sĩ[34]. Quân Pháp theo sát quân Anh trong lúc kêu gọi thêm nhiều quý tộc từ các vùng tới giúp sức. Ngày 24 tháng 10, hai đội quân đã giáp mặt nhưng quân Pháp không đánh vì muốn chờ thêm nhiều quân hơn. Hai đội quân nghỉ đêm trên đất trống và người Pháp đưa ra thêm nhiều lời thương lượng để trì hoãn, nhưng Henry quyết định tiến lên và bắt đầu một cuộc chiến mà ông có lẽ cũng không mong muốn hoặc muốn đánh theo kiểu phòng ngự (như kiểu trận Crécy). Lúc đó quân Anh có rất ít thực phẩm, vừa phải di chuyển 260 dặm trong 2 tuần rưỡi, đang bị nạn kiết lỵ, và phải đối mặt với nhiều quân Pháp được trang bị tốt hơn. Thế nhưng lúc này quân Pháp đã chặn đường về Calais để trú thân của quân Anh, và trì hoãn thêm trận chiến sẽ chỉ làm quân Anh suy yếu thêm và tạo điều kiện cho thêm nhiều toán quân Pháp tới tham chiến.[56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Agincourt http://www.azincourt-medieval.com/ http://www.britannica.com/EBchecked/topic/9159 http://www.familychronicle.com/agincort.htm http://www.familychronicle.com/fc-faq3.html http://www.militaryhistoryonline.com http://www.militaryhistoryonline.com/hundredyearsw... http://www.nytimes.com/2009/10/25/world/europe/25a... http://www.nytimes.com/2009/10/25/world/europe/25a... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85002200